I am "Bạc Hà"

"The future belongs to those who believe in the beauty of their dreams" – Eleanor Roosevelt

Archive for the tag “sính ngoại”

Starbucks – sính ngoại, nước đường và những kẻ tự sướng

Dạo này thiên hạ xôn xao ồn ào chuyện Starbucks. Khen thì ít mà chửi thì nhiều, làm cho mười ngón tay làm biếng của tôi – một người bị Starbucks móc túi dễ như giật kẹo của con nít – cũng nổi hứng muốn xía vào.

Là một người Việt Nam yêu nước không thua gì rất nhiều người (tự xưng) là yêu nước khác, tôi vẫn tin rằng Starbucks đã, đang và sẽ thắng trong trận chiến này. Công lao lớn nhất phải kể đến chính là những người đang … mạnh miệng chửi họ.

Tôi cảm thấy cách bài trí của Starbucks hài hòa hơn

Tôi cảm thấy cách bài trí của Starbucks hài hòa hơn

Người lớn nhất đã khởi xướng nên cái phong trào ngộ nghĩnh này chính là anh Vũ. Đối với tôi, anh Vũ là một doanh nhân thành đạt, kỳ lạ đáng khâm phục. Tôi khâm phục bản lĩnh của anh, tầm nhìn của anh và cả những mong muốn đóng góp cho dân tộc, cho đất nước của anh. Tôi khâm phục cả thành công của thương hiệu Trung Nguyên nơi mà, ngay cả khi còn là một thằng sinh viên gầy nhom vì đói, tôi vẫn phải ghé vào mỗi ngày vì công việc và vì cái không khí mà nó mang lại khi không có công việc.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng cafe Trung Nguyên ngon hơn cafe Starbucks. Thú thực, tôi rất hiếm khi gọi cafe trong Starbucks, nguyên nhân chính là, nhờ đã uống quá nhiều cafe tại Trung Nguyên, cái dạ dày của tôi đã không còn đủ khỏe để chứa chấp cái thứ nước đen đăng đắng ấy nữa. Nhưng những người chung quanh tôi, những tín đồ cafe, họ thà chọn một chai cafe pha sẵn trong tủ lạnh của tiệm bánh mỳ Lee’s Sandwiches chứ ứ thèm ghé Starbucks để mua cafe bao giờ. Vấn đề chất lượng coi như không phải bàn cãi.

Tuy nhiên, người ta có thực sự vào quán cafe để thưởng thức cafe ? Cũng có thể, nếu đó là những người am hiểu về cafe, có thời gian và các sở thích cao cấp. Trong trường hợp đó, tôi biết chắc rằng có những nơi bán cafe còn ngon hơn cả Trung Nguyên nữa, chỉ có điều họ không thể phát triển thành một chuỗi quán chỉ vì có hương vị cafe ngon đặc biệt.

Hay nói cách khác, phần đông người đến quán cafe không phải để thưởng thức cafe. Người ta đến cafe để làm việc, để tụ tập bạn bè, để coi đá bóng hoặc đánh bài (?!) hoặc để “chụp ảnh tự sướng và check-in”. Nếu vậy, khi bàn về trân chiến Trung Nguyên và Starbucks, yếu tố cần phải xem xét nhiều nhất chắc chắn không phải là việc anh “bán nước đường và kem” còn tôi “bán cafe” mà còn phải xem cả những mục đích “mờ ám” khác vốn cũng góp phần kéo chân người ta vào quán.

Ở Trung Nguyên, tôi thấy họ có phong cách văn phòng, sáng sủa và lịch sự, họ có tinh thần dân tộc được đề cao, họ có một danh sách đủ thứ các loại cafe với những cái tên rất hay. Còn gì (mà Starbucks không có) nữa nhỉ. À, giá rẻ và cafe ngon !

Có nhiều bạn trẻ đến Starbucks chỉ để tự sướng ???

Có nhiều bạn trẻ đến Starbucks chỉ để tự sướng ???

Starbucks ở Mỹ là loại cafe bình dân. Phong cách không văn phòng lắm, có hơi hướng nghệ thuật hơn. Theo cảm nhận của tôi, cách bài trí của họ bắt mắt và đồng bộ hơn. Đến Việt Nam, giá cả của họ chắc chẳng còn rẻ nữa. Nếu menu cũng giống tại Mỹ, thức uống của họ sẽ không đa dạng bằng Trung Nguyên, thiếu đi các món thuần Việt như chanh muối, sữa huế và soda sữa hột gà. Nhưng hình như mấy món này thì không có liên quan lắm đến cái đề tài cafe đang được bàn luận. Món uống của họ cũng không có nhiều cái tên hay ho. Cái gì thì gọi đúng bản chất của cái đó, trừ các loại trà.

Nhưng …

Không biết bây giờ Trung Nguyên đã có thẻ debit chưa, nhưng Starbucks thì có. Có thẻ nghĩa là tôi được tặng đồ uống miễn phí sau mỗi 12 lần order hay vào ngày sinh nhật, được mua cafe hạt hay trà gói giảm giá. Tôi chưa bao giờ được giảm giá hay tặng thức uống tại Trung Nguyên.

Starbucks có chương trình Creat-A-Job để khách hàng có thể mua những chiếc vòng đeo tay và một phần số tiền đó được dùng vào các dự án tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Trung Nguyên có thể cũng tham gia nhiều chương trình từ thiện, nhưng không rõ ngoài số tiền bỏ ra, họ đã có chương trình nào để giúp tạo công ăn việc làm cho người dân chưa. Tuy nhiên, việc họ bán cafe trồng và chế biến tại Việt Nam cũng là một hoạt động tạo công ăn việc làm. Nếu Starbucks cũng dùng nông sản của Việt Nam cho sản phẩm của họ, cả hai xem như ngang bằng tại điểm này.

Gần đây, Starbucks bắt đầu bán những chiếc ly nhựa giá $1. Người mua ly sẽ được giảm 10c mỗi lần mua nước và chiếc ly có thể được rửa sạch để dùng lại, nhằm làm giảm lượng ly giấy và những ảnh hưởng của nó với môi trường. Và đúng ngày hôm nay, khi tôi đang ngồi trong Starbucks để lọc cọc viết bài này, họ mới đưa ra cả cốc thủy tinh để dùng trong quán. Đây là những nỗ lực cho thấy họ quan tâm đến các vấn đề môi trường. Còn Trung Nguyên, đến nay tôi vẫn chưa được nghe về các chương trình hay hướng phát triển thân thiện môi trường của Trung Nguyên. Có thể tôi cần cập nhật thông tin nhiều hơn (hoặc có thể Trung Nguyên cần nỗ lực nhiều hơn để cân bằng với đối thủ cảu mình tại điểm này)

Starbucks bành trướng đến từng góc ngã tư

Starbucks bành trướng đến từng góc ngã tư

Điểm cuối cùng tôi cho rằng có ảnh hưởng trong trận chiến này là kinh nghiệm quốc tế. Starbucks đã phát triển rất mạnh bằng chính sức của họ, không phải qua hệ thống nhượng quyền, đến từng ngã tư của nước Mỹ. Họ cũng bành trướng đế quốc của mình ra khắp thế giới. Trung Nguyên có thể là một ông vua (tự xưng) về cafe, nhưng Trung Nguyên chưa có được kinh nghiệm và bản lĩnh này. Trận chiến này, họ có thể thắng, nhưng đó là một chiến thắng cục bộ, chiến thắng của kẻ bị tấn công nhưng giỏi cố thủ, không phải chiến thắng của một kẻ chinh phạt.

Tuy nhiên, đó chỉ là một giả dụ và thực tế có diễn ra như vậy hay không? Theo những gì xảy ra gần đây, tôi tin rằng thực tế đang nghiêng về gã khổng lồ với cái logo tiên cá màu xanh lá.

Dạo này, khắp nơi tôi thấy người ta nói về Starbucks, đa phần là dèm pha về chất lượng sản phẩm của họ hoặc về “sự sính ngoại của giới trẻ Việt Nam”. Đây là dấu hiệu không thể chối cãi cho thấy rằng họ đang … thắng.

Tôi không phàn nàn về việc giới trẻ Viêt Nam thế nào. Thậm chí những gì diễn ra có phải là sự thực không với tôi vẫn còn là một nghi vấn. Tôi không rõ những người sắp hàng đến Starbucks để “check-in và tự sướng” đam mê cái thương hiệu ngoại quốc này đến mức nào, hay họ được trả bao nhiêu (nếu có) để làm nên chuyện đó. Nhưng tôi biết rằng cái tên Starbucks giờ đây đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam vì sự quảng cáo không công đó.

Tôi không biết người đang chê cái thứ “nước đường trộn kem” ấy hiểu bao nhiêu về sự ngon dở hay các giá trị văn hóa của một tách cafe, và vì không hiểu, tôi cũng không dám có ý kiến về trình độ của họ. Tôi chỉ tự hỏi không biết trước khi có Starbucks, họ có vào Trung Nguyên hay các quán cafe khác để trầm ngâm thưởng thức mùi thơm và vị đắng của tách cafe mà họ gọi hay không? Hay đó lại là một dấu hiệu nữa của “người tự trọng”, “người văn hóa” hay một thứ hội chứng “người” gì đó mà cách đây một vài tháng thiên hạ cũng rầm rộ bàn tán trên mạng.

Tất cả những gì tôi biết là, nếu về Việt Nam thì tôi sẽ ra Trung Nguyên ngồi, vì nó rẻ hơn (Starbucks), vì cái không khí và những kỷ niệm mà tôi đã có với nó vậy thôi.

Còn cafe chỗ nào ngon hơn hả? Tôi không biết. Tôi toàn uống trà.

Tháng 2, 2013, Blog Bạc Hà

-/-

Còn bạn, bạn nghĩ gì về những điều này? Thảo luận với tôi nhé

Post Navigation